PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MONTESSORI

Bản chất của phương pháp giáo dục Montessori chính là hoạt động tự do của trẻ trong môi trường đã được  chuẩn  bị với sự hướng dẫn trực tiếp rất hạn  chế  của giáo viên. Hay nói cách khác, phương pháp giáo dục Montessori ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho trẻ.  Các  hoạt động giáo dục được thiết kế  xuất phát từ nhu cầu, hứng thú, khả năng, trình độ và điều kiện cụ thể của từng trẻ. Đây cũng chính là những biểu hiện của quan điểm lấy trẻ làm trung tâm mà các chuyên gia giáo dục Việt Nam đã xác định khi xây dựng chương trình mầm non.

Phương pháp giáo dục  Montessori là phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Montessori đã nghiên cứu xây dựng các phương pháp giáo dục đối với những trẻ từ 0-3 tuổi, từ 3-6 tuổi, từ 6-12 tuổi và từ 12-18 tuổi [8]. Thông qua sự quan sát tinh tế và nghiên cứu  sâu  rộng, Montessori phát hiện ra rằng trẻ có tiềm năng học tập và giai đoạn trưởng thành quan trọng nhất của trẻ là 0-6 tuổi.

Theo Montessori, ở trẻ từ 0 tuổi đến 6 gọi là thời kì nhạy cảm.  Trẻ ở giai đoạn này tràn đầy sức  sống  và hưng phấn trước mọi thứ, chúng  học  gì lập tức được tiếp thu ngay.  Trẻ  tiếp thu thế giới xung quanh nhờ  khả  năng lĩnh hội giống như miếng bọt biển hút nước, gọi là giai đoạn “trí tuệ thẩm thấu”. Ngoài sự phát hiện ở trẻ có thời kì nhạy cảm và khả năng thẩm thấu, Montessori còn phát hiện ra rằng trẻ hứng thú, tập trung thực hiện một công việc nhiều lần, trẻ tự tin hài lòng về bản thân sau khi hoàn thành công  việc,  trẻ cảm thấy hạnh phúc, vui sướng sau mỗi công việc do chính bản thân trẻ thực hiện, Montessori gọi đó là “normalization”. Nhiều tài liệu dịch “normalization” là “sự bình thường hóa”. Ngoài ra, khi làm việc với  giáo  cụ,  trẻ còn học cách thể hiện sự quan tâm tới người khác, yêu cái đẹp, sự ngăn nắp trật tự.

1. Học thông qua các giác quan:

Đặc  trưng  thứ  nhất,  trẻ  trong  lớp học Montessori học thông qua sự trải nghiệm các giác quan. Montessori xây dựng một môi trường giáo dục với hệ thống giáo cụ gồm các vật thật, mô hình cụ thể được sắp xếp vào các góc  hoạt động trong lớp học Montessori.  Trong môi trường lớp học Montessori, trẻ thỏa sức làm việc với các giáo cụ  bằng cách trải nghiệm tất cả các giác quan như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Thông qua những ấn tượng  thu  được từ các giác quan, trẻ dễ  dàng lĩnh hội kiến thức nhân loại, những khái niệm trừu tượng, từ đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức và tư duy.

2. Đề cao nhân vị trẻ:

Phương pháp giáo dục Montessori luôn đề cao nét tính cách riêng biệt, sự độc lập  của  trẻ. Phương pháp này chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng riêng và thời gian riêng của mình. Tính độc lập của trẻ hình thành từ môi trường lớp học được thiết kế đặc biệt. Montessori tin rằng trẻ được giáo dục một cách tự nhiên chứ không phải dựa vào sự can thiệp của giáo viên . Do đó, trong lớp học Montessori, trẻ có quyền tự do lựa chọn công việc mà bản thân trẻ hứng thú. Trẻ thực hiện công việc theo nhịp độ, tiến độ  của bản  thân, trẻ có thể làm công việc trong thời  gian dài mà không bị ngắt quãng giữa chừng. Trẻ tự đánh giá công việc của mình một cách khách quan thông  qua  hoạt  động độc lập với giáo cụ. Trẻ tự biết bản thân  đã làm đúng hay sai ở đâu vì giáo cụ Montessori có chức năng “giáo dục tự động”. Có nghĩa là khi trẻ làm sai, chính giáo cụ như “người thầy” sẽ “chỉ” cho trẻ thấy cái sai để trẻ tự điều chỉnh  và  tự hoàn thiện công việc của mình. Giáo viên trong lớp học Montessori vì thế là người quan sát trẻ, chỉ hỗ trợ khi thực sự cần thiết mà thôi!

3. Lớp học trộn tuổi:

Montessori xây dựng môi trường giáo dục là những lớp học có sự trộn lẫn lứa tuổi. Đây là một xã hội “tự nhiên” có khoảng cách về lứa tuổi giữa các trẻ. Nếu như trong lớp học truyền thống, trẻ học theo nhóm cùng độ tuổi, việc học xuất phát từ những nhu cầu bên ngoài như thứ bậc, cạnh tranh… thì việc học của trẻ trong lớp học Montessori diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng. Trẻ  tự  chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Trẻ nhỏ hỏi trẻ lớn khi không biết hoặc chưa thành thục một công việc nào đó.  Nhìn các anh chị làm được những công việc khó, tự bản thân trẻ sẽ nảy sinh mong muốn học hỏi để được như anh, chị. Còn anh, chị khi chỉ dẫn cho em sẽ có cơ hội được củng cố những điều đã học, thì cảm thấy tự tin hơn và những nét  tính  cách của một nhà lãnh đạo tương lai cũng dần được hình thành từ đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *